Tiếng người nói lao xao, tiếng máy xẻ ồn ào, tiếng tỉa đá nhặt khoan... tất cả tạo nên bầu không khí tất bật, rộn ràng mà không kém phần vui tươi của làng đá mỹ nghệ truyền thống Ninh Vân.
Chúng tôi về Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) vào một ngày đầu tháng 3 khi ánh nắng nhẹ nhàng của mùa xuân đang “hửng” trên làng đá. Cảm giác đầu tiên Ninh Vân mang lại cho chúng tôi là sự ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ khi cả khu sản xuất tập trung rộng hút tầm mắt là bãi đá khổng lồ với đủ hình khối, kích cỡ xen lẫn với những bức tượng Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, Phật Như Lai...sừng sững mà mềm mại. Tiếng người thợ đá lao xao khi “hò nhau” đưa từng khối đá thô vào máy xẻ, lại có người lặng lẽ tỉa từng chi tiết nhỏ.
Không dấu vẻ tự hào, ông Lê Quốc Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân chia sẻ với chúng tôi, nghề đá mỹ nghệ của Ninh Vân đã có hơn 400 năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm với nhiều hình thức quản lý từ mô hình Hợp tác xã những năm 1980, tới mô hình sản xuất hộ gia đình hiện nay, nghề chế tác đá mỹ nghệ tiếng là nghề phụ nhưng thực chất vẫn là nghề đem lại thu nhập chính, nghề làm giàu cho người dân xã Ninh Vân. Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn xã đã có trên 80 doanh nghiệp, ngoài ra, còn rất nhiều các cơ sở sản xuất nhỏ. Thu nhập bình quân năm 2012 của người dân Ninh Vân cũng đạt trên 22 triệu đồng/người và nghề đá hiện chiếm tới 86% trong cơ cấu kinh tế của xã.
Là một người thợ kỳ cựu đã hơn nửa đời người gắn bó với nghề chế tác đá, bác Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban Quản lý làng nghề vui vẻ cho chúng tôi biết về “sức khỏe” của làng đá: Những năm gần đây nghề chế tác đá mỹ nghệ của Ninh Vân khá phát triển do nhu cầu tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, để tăng năng suất người dân Ninh Vân đã cơ giới hóa tới 80% công đoạn sản xuất, thời gian giao hàng cũng được rút lại đáng kể. Đặc biệt, người thợ đá Ninh Vân đã dung hòa khá tốt giữa sản xuất bằng máy móc công nghệ với sản xuất thủ công nên mặc dù năng suất tăng nhưng sản phẩm vẫn giữ được nét tinh tế, mềm mại và rất có hồn, nhờ đó, sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân đã có mặt khắp nơi trên cả nước.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân còn được xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Campuchia và một số nước Đông Âu. “Năm vừa qua, do khó khăn chung Ninh Vân xuất khẩu không được nhiều như trước, chỉ có 3 doanh nghiệp xuất được hàng với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đầu năm nay lại có tín hiệu vui khi doanh nghiệp Thiên Sơn đã nhận được đơn đặt hàng từ Hà Lan, hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu may mắn cho làng đá...” bác Diệu hồ hởi nói.
Bác Diệu cũng cho biết thêm, không giống như một số làng nghề thủ công mỹ nghệ khác, lao động không phải là vấn đề khó của Ninh Vân bởi với thu nhập từ 150-500.000 đồng/người/tháng, ngoài lao động trong xã Ninh Vân còn thu hút hơn 1000 lao động địa phương khác về làm việc. Đặc biệt, để nâng cao tay nghề cho người lao động và để làng nghề phát triển một cách bền vững suốt 12 năm qua UBND xã Ninh Vân đã kết hợp với trường Cao Đẳng dạy nghề của tỉnh Nam Định đào tạo trình độ Trung cấp nghề chế tác đá mỹ nghệ cho người dân làng nghề. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã mở được 3 lớp với 132 học viên. Và chính nhờ được đào tạo bài bản, nhất là được đào tạo về cách chia tỷ lệ mà sản phẩm của Ninh Vân đẹp hơn, tinh xảo hơn và giá thành cũng cao hơn.
Được biết, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình, UBND xã Ninh Vân từ năm 2010 trở về trước người dân Ninh Vân được học nghề miễn phí hoàn toàn, từ năm 2011 trở lại đây người dân còn được hỗ trợ học nghề 6 triệu đồng/người/khóa (3 năm). Như vậy, nhờ đầu tư bài bản cho công tác đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ thợ trẻ mà làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân đã và đang phát triển vững vàng trước sóng gió của khủng hoảng kinh tế.
Nguồn: tuhaoviet.vn
|